Posted on 224  

Khi lên thực đơn hay danh sách món ăn vặt ngon mỗi ngày, các tín đồ ăn vặt không thể bỏ qua món bánh flan thơm ngon mềm mịn được nhiều người ưa thích. Cách làm bánh flan không khó nhưng để có được những mẻ bánh hoàn hảo, không dễ tanh, không bị rỗ thì không dễ chút nào. Bánh flan mềm mịn như kem, có vị ngọt nhẹ và vị caramel. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách làm bánh flan không ngon. Sử dụng công thức đặc biệt dưới đây, bạn có thể làm thành công món bánh ngon ngoài mong đợi này trong thời gian rất ngắn.

Nguồn gốc bánh flan

Crème caramel là một món tráng miệng nhẹ nhàng như mây, tan ngay trên đầu lưỡi. Món bánh bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại, người La Mã thời đó đã trộn trứng gà với mật ong để tạo ra thứ bánh ngon ngọt. Món bánh đã theo chân người La Mã đến Châu Âu trong hành trình chinh phục Châu Âu của họ. Rất lâu sau đó, tại đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp, món bánh này được nhiều người biết đến nhờ sự sáng tạo của hai chàng trai. Bánh được cải tiến với sự pha trộn tỉ lệ giữa trứng, sữa và được phủ lên lớp caramel màu nâu ngọt ngọt, đăng đắng.

Nguồn gốc bánh flan

Món bánh nhanh chóng chinh phục giới ẩm thực khắp Châu Âu. Món bánh đã lan tỏa khắp thế giới, tùy theo khẩu vị của từng quốc gia, từng vùng miền, món bánh Crème Caramel đã được cải tiến và được gọi với nhiều tên khác nhau. Tại Pháp, được gọi là Crème Caramel (hay còn gọi là “kem lộn ngược”) đã trở thành món tráng miệng lịch lãm trong ẩm thực Pháp. Tại Việt Nam, bánh vẫn còn ưu ái giữ cái tên gốc tây là bánh Flan. Bánh Flan ngày nay phổ biến và dễ làm đến mức ai ai cũng có thể làm, nhà nhà đều nắm giữ một bí kíp làm bánh riêng.

Bánh flan

Bánh Flan còn có tên gọi khác là caramel, được chế biến bằng cách hấp chín các nguyên liệu trứng, sữa và nước caramel. Đây là loại bánh có nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu nhưng hiện đã phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, bánh flan thường được dùng làm món tráng miệng bởi hương vị thơm ngon, ngọt ngào lại giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, đây còn là món ăn vặt phù hợp với mọi lứa tuổi, được giới trẻ ưa chuộng, rất bổ dưỡng cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Cách làm bánh flan không yêu cầu kỹ thuật gì đặc biệt nên ai cũng có thể làm được dù mới bắt đầu học làm bánh.

Thành phần dinh dưỡng: Bánh flan được làm từ nguyên liệu chính gồm trứng và sữa, đây là các thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Trứng gà giàu chất đạm và các axit amin, trong khi đó, sữa bổ sung canxi, phốt pho, protein, vitamin nhóm B và các khoáng chất khác cho cơ thể. Ngoài ra, khi kết hợp với một số nguyên liệu khác như các loại trái cây, nước cốt dừa, cà phê, phô mai… cũng mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng.

Hướng dẫn làm bánh flan sữa tươi

Bánh flan sữa tươi không quá ngọt mà có vị thanh nhẹ, mềm béo, tan ngay trong miệng nên không gây cảm giác ngán khi thưởng thức.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Trứng gà: 5 quả
  • Sữa tươi: 500ml
  • Đường cát trắng: 100g
  • Nước cốt chanh: 1/2 quả
  • Chiết xuất vani: 1 muỗng cà phê
  • Nước lọc: 100ml
  • Dụng cụ làm: nồi, muỗng, phới lồng, khuôn đựng…

Cách thực hiện

Bước 1: Cách làm caramel

Đầu tiên, cho 50g đường vào nồi, sau đó thêm 100ml nước lọc, nước sẽ thấm đều đường, nhờ vậy đường sẽ không bị bám vào thành nồi gây cháy hay làm đường kết tinh trở lại. Bắc nồi lên bếp đun ở lửa vừa, trong quá trình nấu không cần khuấy. Nếu đường vàng không đều, bạn chỉ cần nhấc nồi lắc nhẹ cho đều là được. Khi đường đã chuyển sang màu cánh gián đẹp mắt, cho nước cốt chanh vào rồi tắt bếp. Nhanh tay tráng đều một lớp caramel mỏng (khoảng 1 muỗng canh) vào các khuôn bánh đã chuẩn bị sẵn.

Bước 2: Cách làm bánh

Bước 2: Cách làm bánh

Tách lấy 5 lòng đỏ trứng gà, dùng phới lồng đánh tan nhưng không đánh bông trứng. Khối lượng trứng không tính vỏ là khoảng 200g, nếu dùng trứng gà so có kích cỡ nhỏ thì nên điều chỉnh công thức cho phù hợp.

Cho 500ml sữa tươi và 50g đường vào nồi, khuấy nhẹ theo một chiều đến khi hỗn hợp hòa tan. Bắc nồi sữa lên bếp đun cho sữa ấm nóng nhưng không để sôi. Công đoạn này rất quan trọng giúp bánh không bị rỗ. Đun đến khi hơ tay trên miệng nồi thấy có hơi nóng bốc lên là được.

Tiếp đến, đổ từ từ hỗn hợp sữa vào trứng gà, vừa đổ vừa khuấy đều để tránh vón cục. Sau đó, cho 1 muỗng cà phê chiết xuất vani vào, khuấy cho tan hết. Lọc hỗn hợp qua rây 1 – 2 lần để loại bỏ các bọt khí, giúp bánh sau khi hấp được mịn, không bị lợn cợn. Đổ hỗn hợp sữa, trứng vào các khuôn caramel. Lưu ý, không đổ đầy mà chỉ đổ 3/4 khuôn vì khi bánh chín sẽ nở ra thêm.

Bước 3: Cách nướng bánh

  • Bằng lò nướng: Xếp khuôn bánh vào khay, đổ nước nóng đầy 1/2 khay. Cho vào lò nướng ở 150 – 160 độ C trong vòng 40 phút. Nhiệt độ và thời gian nướng có thể tùy thuộc vào lò và kích cỡ khuôn.
  • Bằng nồi chiên không dầu: Làm nóng nồi chiên không dầu trước 10 phút ở nhiệt độ 110 độ C. Xếp khuôn bánh vào nồi và nướng trong vòng 35 phút là bánh chín.

Bước 4: Cách hấp bánh

Bước 4: Cách hấp bánh

  • Bằng nồi hấp: Dùng giấy bạc hoặc màng bọc chịu nhiệt bọc kín khuôn bánh để tránh hơi nước rớt xuống làm bánh bị rỗ. Chuẩn bị nồi hấp cách thủy, xếp các khuôn bánh vào nồi và hấp ở nhiệt độ 80 – 90 độ C (dưới nhiệt độ sôi) trong vòng 15 – 20 phút. Có thể kiểm tra bánh chín chưa bằng cách dùng cây tăm xiên vào bánh, nếu thấy bánh không dính tăm và lỗ châm không có nước là được.
  • Bằng nồi cơm điện: Cho một lượng nước vừa đủ vào nồi cơm điện, sau đó xếp các khuôn bánh vào rồi phủ khăn xô lên miệng nồi, đậy kín nắp. Bật nút “Cook” và nấu khoảng 20 phút, khi nồi chuyển sang chế độ ủ “Warm” là bánh đã chín.

Yêu cầu thành phẩm

Thực hiện làm kem flan tại nhà cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau:

  • Bánh flan có màu sắc bắt mắt, mịn màng không bị lõm hay vỡ nát.
  • Phần caramel bên dưới không bị dính hay có vị quá đắng.
  • Bánh có độ mềm vừa phải, vị ngọt, béo của các nguyên liệu hòa quyện.

Bánh flan sau khi hoàn thành bạn để nguội rồi cho vào tủ lạnh khoảng 3 – 4 tiếng là có thể thưởng thức. Khi ăn cho thêm chút đá bào, sữa đặc, cà phê lại càng tăng thêm hương vị và độ hấp dẫn.

Hướng dẫn làm bánh flan cho bé

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Trứng gà: 3 quả
  • Sữa tươi không đường: 200ml
  • Sữa đặc có đường: 60g
  • Đường: 50g

Các bước thực hiện

Bước 1: Cho đường vào nồi, đổ ít nước rồi bắc lên bếp đun với lửa nhỏ. Khi thấy đường sôi chảy, bốc khói và ngả màu cánh gián thì cho vào chút nước cốt chanh, lắc đều. Trút nhanh caramel vào khuôn bánh, tráng nhẹ cho tạo một lớp mỏng dưới đáy khuôn.

Bước 2: Trứng gà tách lấy lòng đỏ cho vào tô, đánh tan. Cho sữa đặc và sữa tươi vào nồi, bắc lên bếp đun lửa nhỏ cho hơi nóng ấm rồi tắt bếp. Đổ từ từ sữa vào trứng, vừa đổ vừa khuấy nhẹ theo một chiều để hỗn hợp hòa quyện.

Bước 3: Lọc hỗn hợp qua rây vài lần cho mịn. Khi caramel trong khuôn đã khô cứng lại thì đổ hỗn hợp trứng sữa vào.

Bước 4: Đặt khuôn bánh vào nồi hấp cách thủy. Bắc lên bếp hấp với lửa nhỏ từ 30 – 40 phút. Bánh chín lấy ra để nguội rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng là dùng được.

Các vấn đề thường gặp và phương pháp giải quyết

Cách làm bánh flan đơn giản nhưng nếu bạn mới tập tành làm món này lần đầu khó tránh khỏi gặp phải những sự cố ngoài ý muốn. Dưới đây là một số lỗi thường gặp và cách khắc phục để có mẻ bánh hoàn hảo.

Bánh flan bị rỗ

Bánh flan bị rỗ

Nguyên nhân: Đánh trứng quá bông khiến flan có nhiều bọt khí hoặc nướng/hấp bánh ở nhiệt độ cao cũng khiến flan bị rỗ. Ngoài ra, khi hấp bánh bằng phương pháp cách thủy, hơi nước đọng trên nắp vung nồi rồi rớt xuống gây rỗ bề mặt bánh.

Cách khắc phục: Dùng một chiếc khăn sạch, thấm nước tốt phủ lên miệng nồi rồi mới đậy nắp vung lại. Trong quá trình hấp, cứ cách khoảng 10 – 15 phút mở nắp ra, lau sạch nước đọng. Đậy nắp hoặc bọc kín khuôn flan bằng giấy bạc, màng bọc thực phẩm… cũng có tác dụng ngăn nước rơi vào.

Bánh flan không đông

Nguyên nhân: Tỷ lệ trứng và sữa chưa phù hợp (thường do quá nhiều sữa). Ngoài ra còn do nhiệt độ nướng/hấp quá thấp hoặc thời gian chưa đủ lâu để bánh chín hẳn.

Cách khắc phục: Cân đong chính xác và làm đúng theo chỉ dẫn trong công thức.

Bánh flan bị khô mặt

Bánh flan bị khô mặt

Nguyên nhân: Do trộn trứng, sữa chưa đều hoặc nấu ở nhiệt độ quá cao.

Cách khắc phục: Che hoặc bọc kín mặt flan khi nướng/hấp.

Bánh còn mùi tanh của trứng

Nguyên nhân: Tỷ lệ trứng và sữa chưa phù hợp, không đun hoặc đun sữa chưa tới.

Cách khắc phục: Làm nóng sữa trước rồi mới cho vào trứng. Ngoài ra, cho một lượng vani vừa đủ để bánh không còn mùi tanh và thơm hơn.

Bánh bị vỡ khi lấy khỏi khuôn

Bánh bị vỡ khi lấy khỏi khuôn

Nguyên nhân: Công thức có tỷ lệ chất lỏng quá nhiều so với trứng. Do nướng/hấp bánh chưa đủ thời gian, hoặc để lạnh trong thời gian quá ngắn.

Cách khắc phục: Cân đong chính xác và làm đúng theo chỉ dẫn trong công thức.

Caramel bị dính vào đáy khuôn

Nguyên nhân: Nấu nước đường quá lâu hoặc khuấy đảo nhiều khi nấu.

Cách khắc phục: Không đun nước đường quá lâu, chỉ đun đến khi thấy nước đường đã đạt.

Nếu đã quá nhàm chán với vị bánh flan truyền thống, hãy thử biến tấu với một vài nguyên liệu để tạo ra nhiều màu sắc, hương vị hấp dẫn khác cho món bánh quen thuộc này nhé.

Một số cách làm bánh flan đơn giản

Làm bánh flan phô mai

Làm bánh flan phô mai

Cho 2 viên phô mai vào hấp cách thủy đến khi tan hoàn toàn rồi trút vào hỗn hợp trứng, sữa. Khuấy đều hỗn hợp, sau đó bắc lên bếp nấu. Các công đoạn còn lại thực hiện tương tự những cách trên.

Làm bánh flan bí đỏ

Dùng 1 quả bí đỏ, cắt phần cuống rồi khoét lấy ruột ra ngoài, chừa khoảng trống để đổ bánh flan. Hỗn hợp trứng sữa sau khi đun nóng đổ vào quả bí đỏ đã khoét ruột. Sau đó đem hấp ở lửa nhỏ trong 40 – 60 phút.

Làm bánh flan dừa

Cho 130g đường và 25g bơ chảy vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Tiếp tục cho 6 lòng đỏ trứng gà, 300ml sữa tươi không đường và 200g dừa tươi nạo sợi xay cho hỗn hợp hòa quyện. Đỗ hỗn hợp trên vào khuôn có quét một lớp bơ mỏng chống dính. Xếp khuôn bánh vào nồi và hấp khoảng 30 phút là bánh chín.

Làm bánh flan rau câu

Cho 1,5 lít nước vào nồi, đổ 15g rau câu giòn vào ngâm 15 phút cho nở. Bắc lên bếp nấu lửa nhỏ, khuấy liên tục để rau câu không bị lắng dưới đáy. Khi nồi rau câu sôi thì cho 150g đường cát vào, khuấy tan rồi tắt bếp. Chia rau câu ra làm 2 phần, một phần hòa với cà phê đen, phần còn lại đổ hỗn hợp trứng sữa đã đun nóng vào. Chuẩn bị một khuôn bánh lớn, đổ một lớp rau câu flan vào, đợi se mặt thì đổ tiếp một lớp rau câu cà phê, làm lần lượt đến khi hết. Đem khuôn bánh để vào ngăn mát tủ lạnh, sau khoảng 2 giờ là có thể thưởng thức.

Làm bánh flan trà xanh

Rửa sạch 150g lá trà xanh, dùng kéo cắt nhỏ rồi cho máy xay sinh tố xay nhuyễn với một chút nước. Lọc bỏ xác lá trà, giữ lại phần nước cốt. Hòa nước cốt trà xanh với 170ml sữa tươi không đường. Cho hỗn hợp trên vào phần trứng sữa đã chuẩn bị, khuấy đều rồi mang đi hấp chín.

Các thông tin bạn có thể tìm hiểu thêm

Tỷ lệ trứng và sữa

Dùng sữa đặc

  • 150g trứng gà (không tính vỏ)
  • 350ml sữa tươi
  • 120g sữa đặc có đường

Tỷ lệ trứng và sữa

Dùng sữa tươi

  • 150g trứng gà
  • 380ml sữa tươi
  • 40 – 50g đường

Cần hấp bánh flan trong bao nhiêu phút?

Thời gian hấp trung bình là 30 phút cho 5 – 6 khuôn bánh bình thường là bánh vừa chín ngon. Nếu số lượng khuôn bánh nhiều hơn cần hấp từ 40 – 60 phút.

Hạn sử dụng của bánh flan?

Bánh để được 1 – 2 ngày ở nhiệt độ phòng và 5 – 7 ngày trong tủ lạnh.

Phụ nữ mang thai có ăn bánh flan được không?

Phụ nữ mang thai có ăn bánh flan được không?

Bánh flan thơm béo, ngon ngọt và giàu dinh dưỡng nên rất phù hợp với chế độ dinh dưỡng của các mẹ bầu. Món ăn vặt này cung cấp canxi, vitamin D, sắt, protein… tốt cho cả mẹ và thai nhi.

Bánh Pudding có khác gì với bánh flan hay không?

Pudding là loại bánh đông lạnh do có thành phần kết dính là gelatin; được làm từ bột, sữa, đường, trứng; có tính xốp đặc, mịn, dính. Pudding có hai vị mặn và ngọt nên khác hoàn toàn bánh flan trong cách chế biến và hương vị.

Trên đây là những thông tin chi tiết về bánh flan, qua đó bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hay về món ăn này, biết được nguồn gốc, cách làm bánh flan và cả những biến tấu của nó nữa. Cùng bắt tay vào thực hiện ngay để bữa ăn hằng ngày thêm hương vị nhé. Trang nhà đất Sóc Trăng chúc bạn thành công.

Nguồn: daotaobeptruong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *