Posted on 214  

Trong thiết kế nội thất, những từ như “sáng tạo”, “khả năng thẩm mỹ” thường được nhắc đến đầu tiên. Nhưng, thực ra các nhà thiết kế nội thất nói rằng luôn có những quy tắc, chuẩn mực và những yếu tố để tạo nên những thiết kế đẹp. Các yếu tố bao gồm không gian, đường nét, hình dạng, ánh sáng, màu sắc, vật liệu và hoa văn. Sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố này sẽ nâng cao tính thẩm mỹ và che đi những khuyết điểm của bối cảnh. Đối với bất kỳ thiết kế nội thất nào, những yếu tố này luôn quan trọng và cần được xem xét cẩn thận.

Yếu tố không gian

Không gian là yếu tố cơ bản trong thiết kế nội thất, cần phải nắm rõ không gian chúng ta thiết kế có ưu, nhược điểm gì. Không gian là yếu tố khó thay đổi nên cần tận dụng tất cả những gì chúng ta có. Thiết kế nội thất là làm việc ở môi trường không gian 3 chiều. Không gian đó tối giản, cổ điển hay theo phong cách nào là tùy theo phong cách thiết kế. 

Không gian có thể chia làm 2 loại: không gian đặc và rỗng. Không gian đặc là nơi đặt các đồ nội thất, vật trang trí, các thiết bị điện. Không gian rỗng (còn gọi là không gian mở, đường giao thông), không có hoặc có rất ít đồ vật. Vì vậy việc kết hợp hài hoà giữa không gian đặc và rỗng sẽ làm căn phòng có tính thẩm mỹ, tránh cảm giác bừa bộn, thừa hoặc thiếu đồ nội thất.

Người thiết kế cần biết cân bằng giữa yêu cầu của khách hàng và điều kiện không gian. Ví dụ, phải tính toán kích thước các đồ vật đặt trong phòng, vì chúng liên quan đến không gian đặc và rỗng trong nhà (đồ vật quá lớn sẽ chiếm chỗ đường giao thông). Đồ nội thất còn tạo cảm giác lớn hơn hoặc nhỏ hơn cho không gian.

Những phong cách thiết kế khác nhau sẽ có yêu cầu sử dụng không gian khác nhau. Chẳng hạn. phong cách tối giản sẽ tạo ra nhiều không gian rỗng hơn phong cách chiết trung. Tóm lại, việc cân bằng, hài hoà được không gian đặc, rỗng và nơi bố trí nội thất sẽ tạo ra phong cách ấn tượng và đảm bảo tính thẩm mỹ.

Những đường nét

Những đường ngang, đường thẳng đứng và đường “động” tập hợp lại sẽ tạo ra tổng thể hình dạng của căn phòng và điều tiết thị giác của chúng ta. Biết cách kết hợp những đường tạo ra từ đồ nội thất sẽ làm không gian có tính đồng nhất hoặc tương phản nhau. 

Đường ngang được tạo ra từ mặt bàn ăn, bàn phòng khách và những bề mặt khác. Đường ngang tạo cảm giác ổn định, cân bằng và trang trọng. Trong thiết kế nội thất, những đường ngang làm cho không gian như được rộng và dài hơn. Nhưng nếu lạm dụng chúng, sẽ tạo ra cảm giác nhàm chán và không phá cách.

đường nét

Đường thẳng đứng làm cho không gian cảm giác cao hơn, bao gồm cửa sổ, cửa đi. Chúng thường được sử dụng trong đèn bàn ăn, lối ra vào và không gian văn phòng. Khác với đường ngang, sử dụng quá nhiều đường thẳng đứng sẽ làm gia chủ cảm thấy bất an, lo lắng. 

Đường “động” bao gồm đường chéo, đường zigzag, đường cong,… Đại diện cho đường động là cầu thang, chúng tạo cảm giác đang chuyển động và có năng lượng. Chúng kích thích thị giác và thu hút được sự chú ý hơn 2 đường kia, nhưng quá nhiều đường động sẽ làm không gian bị rối, lấn át đường ngang và đường thẳng đứng. 

Do vậy, nên kết hợp 3 loại đường trong thiết kế, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng vừa truyền tải đúng thông điệp mà chúng ta mang lại.

Hình dáng căn phòng

Hình dạng bao gồm hình dạng của căn phòng, hình dạng của các đồ vật trong căn phòng đó. Nói 1 cách khác, hình dạng là nói tới không gian 3 chiều của vật thể.

Những đồ vật, hình dạng do con người tạo ra thường vuông vức, có góc cạnh. Trong khi đó, thiên nhiên tạo ra nhiều hình dạng phong phú hơn và chúng đều có quy luật riêng. Hình dạng có thể là khối đặc hoặc rỗng hoặc 1 khối độc lập. Một điểm cần chú ý nữa là kích thước của đồ vật phải có tỷ lệ phù hợp với kích thước của không gian.

Hình dáng căn phòng

Việc sử dụng nhiều đồ vật có hình dạng giống nhau sẽ tạo cảm giác hài hoà và cân bằng. Ngược lại, nếu sử dụng đồ vật với nhiều hình dạng khác nhau và không biết cách kết hợp sẽ làm không gian bị rối và không có tính thẩm mỹ. Một không gian đẹp thì hình thức chủ đạo nên được lặp lại xuyên suốt, kể cả ở những đồ vật nhỏ 

Yếu tố ánh sáng

Một số thông tin cơ bản

Ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng nhân tạo đều là yếu tố quan trọng trong bất kỳ không gian nào. Nếu không có ánh sáng thì sẽ không tôn lên được vẻ đẹp của không gian. Ánh sáng được chia làm nhiều loại: ánh sáng phục vụ chiếu sáng (có mục đích công năng), ánh sáng nhấn (nhấn mạnh vào vật thể), ánh sáng chuyển đổi màu (chuyển đổi theo tâm trạng, môi trường, nhiệt độ,…)….

Khi nói về ánh sáng, đầu tiên là phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng, chiếu sáng đủ. Vì thế yếu tố chất lượng và số lượng đều phải được xem xét đến. Ví dụ 1 không gian văn phòng thì cần chiếu ánh sáng trắng để nhân viên quan sát được rõ và làm việc hiệu quả. Mặt khác, không gian phòng khách ở gia đình có thể dùng ánh sáng màu nhẹ nhàng hơn. Việc dùng đèn điều chỉnh được cường độ, vùng sáng sẽ làm cho không gian tùy biến hơn, sử dụng được với nhiều mục đích khác nhau.

Yếu tố ánh sáng

Ánh sáng tự nhiên là yếu tố luôn được coi trọng, chúng ta có thể điều chỉnh chúng thông qua cửa đi, cửa sổ, hệ thống lam, thậm chí là gương. 

Ngoài ra, mỗi không gian chức năng khác nhau sẽ có yêu cầu chiếu sáng riêng. Ví dụ ở tiệm bánh thường dùng ánh sáng vàng cho bánh mì để nhìn chúng hấp dẫn hơn, còn đối với trang sức thì dùng ánh sáng trắng để làm tăng thêm sự lấp lánh, vẻ đẹp của sản phẩm. Sử dụng tốt ánh sáng sẽ đạt được hiệu quả về công năng và thẩm mỹ cho không gian.

Vai trò của yếu tố ánh sáng trong thiết kế

Theo mục đích, chiếu sáng được phân thành 3 loại:

  • Chiếu sáng chung không chỉ được hiểu là luồn sáng đều khắp; mà có thể là sáng theo vùng, theo điểm. Nhưng vẫn đủ đảm bảo cho sự nhận diện và những những hoạt động cần thiết.
  • Chiếu sáng tập trung lại là loại ánh sáng tạo ra những điểm nhấn. Qua đó làm nổi bật những đặc điểm cá tính riêng cho không gian nội thất. Mặt khác, chiếu sáng tập trung còn giúp phân vùng không gian; cho những thiết kế nội thất mở. Tương phản sáng – tối là tính chất tiêu biểu của chiếu sáng tập trung.
  • Không có giá trị công năng nhiều; chiếu sáng trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của nội thất. Tạo ra những hiệu quả thị giác gây chú ý.

Trong đó, phân loại theo nguồn sáng thường có thể chia thành trực tiếp và gián tiếp.

  • Chiếu sáng trực tiếp thường phổ biến bởi hiệu quả về công năng “để nhìn thấy”. Tuy nhiên, nếu không được thiết kế kỹ lưỡng, ánh sáng dễ gây cảm giác nhàm chán và vô cảm.
  • Chiếu sáng gián tiếp thường được chọn để tạo ra sự êm dịu cho không gian và khơi gợi cảm xúc.

Yếu tố màu sắc

Màu sắc là yếu tố quan trọng tiếp theo trong thiết kế nội thất. Việc chọn màu sắc đều có quy luật riêng của nó và chúng có khả năng thể hiện tính đồng nhất; cũng như tâm trạng người dùng; vì thế chúng luôn được các nhà thiết kế tận dụng tối đa.

Yếu tố màu sắc

Theo tâm lý học, không nên xem nhẹ tác dụng của màu sắc; vì nó có thể tái hiện lại kỷ niệm; kích thích thị giác và tạo ra phản ứng với cơ thể chúng ta. Ví dụ, màu xanh dương và xanh lá cây tạo cho ta cảm giác bình yên, thư thái; thế nên hay được sử dụng trong phòng ngủ. Màu đỏ tạo ra cảm giác thèm ăn nên thường được sử dụng trong nhà bếp…

Khi chọn màu cho không gian, bước đầu tiên là cần xác định rõ công năng; và những hoạt động sẽ diễn ra. Thứ hai, cần xem xét ánh sáng tự nhiên và nhân tạo ảnh hưởng lên màu sắc; không gian cả ngày và đêm như thế nào, có thể hiện đúng thông điệp chủ nhân muốn mang lại không? Cuối cùng cần xem xét về kích thước của căn phòng. Các nhà thiết kế thường sử dụng màu sắc trắng sáng cho không gian nhỏ; để tạo cảm giác thoáng và rộng hơn. Màu sắc tối sẽ tạo điểm nhấn cho không gian lớn.

Nguyên vật liệu được dùng cho thiết kế

Vật liệu yêu cầu phải tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt để cảm nhận. Chúng thường bị xem nhẹ nhưng vật liệu thực sự có khả năng làm cho không gian trở nên khác biệt. 

Giống như việc kết hợp giữa màu sắc và hoa văn; việc lựa chọn vật liệu tốt sẽ tạo ra sự tinh tế. Cảm giác nhẵn nhụi, nhám, gồ ghề,… đều được thể hiện qua vật liệu.

Nguyên vật liệu

Vật liệu có 2 dạng, cảm nhận qua thị giác và qua xúc giác. Dạng vật liệu cảm nhận qua thị giác thường đến từ hoa văn trang trí ở tường, thảm, ghế sofa…. Dạng cảm nhận qua xúc giác có thể kể đến như vải lông tơ ở ghế sofa, phải ngồi vào mới cảm nhận độ mềm mịn của vải…

Nhìn chung, nếu không gian có cảm giác thiếu thứ gì đó hoặc chưa có tính thẩm mỹ; thì một nhà thiết kế giỏi sẽ nghĩ tới trường hợp thiếu hoặc sử dụng sai vật liệu. Vật liệu là tất cả những đồ nội thất chúng ta đưa vào trong không gian và tạo ra sự thống nhất; tương phản, có tính thẩm mỹ hoặc phản tác dụng. Nên cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề vật liệu trong không gian. 

Yếu tố họa tiết

Cùng với màu sắc, hoa văn được sử dụng để tạo điểm nhấn cho không gian. Hoa văn là những thiết kế được lặp đi lặp lại, thường thấy ở giấy dán tường, sofa, thảm, rèm cửa,… Có rất nhiều hoa văn khác nhau như đường sọc, đường chéo, chấm bi, hình ảnh hoa lá, động vật…

Khi sử dụng hoa văn, cần đặc biệt chú ý tới kích thước và phong cách thiết kế. Đối với 1 không gian nhỏ, các hoa văn nên đơn giản, không cầu kỳ để tránh phá vỡ không gian. Hoa văn với những sọc ngang hoặc thẳng đứng cũng làm cho không gian có cảm giác rộng ra hoặc cao hơn. Hoa văn có thể sử dụng cho tất cả các bức tường, tuy nhiên, tốt nhất nên được sử dụng cho 1 bức tường trong phòng. Đối với không gian rộng, 1 bức tường trang trí hoa văn sẽ làm điểm nhấn nổi bật. 

Yếu tố họa tiết

Về vấn đề phong cách, bạn phải lựa chọn hoa văn làm sao đó vẫn giữ được thông điệp bạn muốn mang lại. Với phong cách truyền thống nên sử dụng hoạ tiết thiên nhiên, hoa lá. Với phong cách hiện đại, hoạ tiết hình học, trừu tượng nên được ưu tiên

Các hoa văn, hoạ tiết sẽ làm không gian có sức sống hơn, sinh động hơn. Tuy nhiên, nên sử dụng nhiều nhất là 3 kiểu hoa văn và tất cả nên cùng 1 tông màu.

Nguồn: kienviet.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *